The Glory, from zero to one
TL; DR: Về phim Glory và về Song Hye Kyo.
Precaution: Thông điệp phim không phản ánh quan điểm của người viết. Mọi sự diễn dịch đều là diễn dịch, aka, lấy từ kịch bản.
Sypnosis (mạng):
The Glory (Vinh quang trong thù hận) xoay quanh hành trình trả thù của cô gái từng có quãng thời gian đi học đầy đau khổ. Bị bạo lực học đường từ thân thể đến tâm lý, cô ôm lòng thù hận sâu sắc với những kẻ từng chà đạp mình. Sau này, cô trở thành giáo viên chủ nhiệm tiểu học của con kẻ thù năm xưa và bắt đầu một kế hoạch mà cô đã ấp ủ suốt 18 năm ..
Không nghĩ là có ngày lại viết về một bộ phim truyền hình Hàn và về Song Hye Kyo.
Thực ra tôi vẫn cho rằng phim truyền hình cũng là một thứ guilty pleasure cần thiết, vì nó đơn giản và êm đềm. Chỉ là tôi ko nghĩ chúng có thể viết ra được mà không giống như là vẽ rắn thêm chân và trái với sự đơn sơ của niềm vui đó. Quan điểm của tôi là nếu bạn feel good khi ăn pizza, bạn không nên viết nếu không muốn làm hỏng cái khoái cảm thuần nhất này.
Nhưng hoá ra là tôi nhầm, The Glory lại vẫn có những giá trị có thể viết được và nên viết ra.
Tôi đã thích phim này và cảm tình với nhân vật từ cảnh đầu phim. Khí chất diễn viên và ấn tượng mạnh mẽ về khung cảnh cùng âm nhạc đã khiến khán giả lập tức có cảm giác tin nhân vật ấy.
Dạo Song Hye Kyo mới xuất hiện và nhà nhà xem Trái tim mùa thu (TTMT), tôi nhớ từng dừng lại xem vài cảnh ở vài tập nào đó, và có hình dung nhất định về diễn viên này. Song do không xem TV lâu nay, hình tượng cô ấy sau này cũng thay đổi, nên cũng không lưu giữ nhiều. Nhưng từ cảnh đầu của Glory, cái ấn tượng xa xưa đột nhiên sống động lại, có lẽ còn sắc nét và định hình được rõ hơn.
Từ trái tim mùa thu, Song Hye Kyo đã có nét của một phụ nữ trưởng thành hơn nhiều so với tuổi. Nhưng không phải trưởng thành từ sự thông thái, mà giống như chất chứa đau thương. Không ai biết tuổi thơ của cô ấy đã trải qua những gì để người thiếu nữ này có một khí chất như thế. Có những phụ nữ mang nỗi buồn là phảng phất, cái kiểu thu hút mà phải nhìn kỹ mới thấy và cũng tạo thành một loại thẩm mỹ. Nhưng có những phụ nữ mà nỗi buồn lập tức loang ra làm mềm cả không gian xung quanh, và sự choáng ngợp của nỗi buồn kiểu này là một loại thẩm mỹ khác. Song Hye Kyo ở châu Á và Lea Seydoux ở châu Âu là loại nỗi buồn thứ hai ấy. Cái nữ tính của họ là thuần chất, nguyên thuỷ, vừa rợn ngợp vừa trầm lắng như biển sâu mênh mang lẫn khó dò. Kết hợp với dáng vóc và phong cách, thì đôi lúc Song Hye Kyo của thời TTMT ấy toả ra một vẻ trĩu nặng, cam chịu. Song lại không biến thành lạc hậu hay tội nghiệp, mà gần hơn với sự hoàn toàn không chống cự nó làm người ta thấy đau lòng không chịu nổi, như muốn nhảy đến phá toang cái vỏ kén đóng kín ấy và giải thoát nàng ra ngoài, khá giống vẻ cam chịu mà thu hút của diễn viên Như Quỳnh ở Vn, tuy rằng ngũ quan Song Hye Kyo có một vẻ trữ tình lộng lẫy hơn Như Quỳnh.
Tuy nhiên, ở cái thưở của Trái tim mùa thu, nỗi buồn của Song cũng gần với sự u sầu đa cảm và do đó dễ mang vẻ bàng bạc tiểu tư sản của những từ này. Hệt như cô Kiều khóc khi thăm mộ Đạm Tiên, sự đa cảm đôi khi chỉ báo cho một cuộc sống thực ra chưa vướng bận các lo toan thường nhật. Đó là một nỗi buồn đẹp về thẩm mỹ và quyến rũ trong một quan hệ luyến ái, nhưng chưa đủ cảm giác lớn lao hay phổ quát để lay động được lòng người.
Và đây chính là điểm mà Song Hye Kyo của The Glory đã bứt phá và hoàn toàn lột xác.
Dong-Eun đã không có cái xa xỉ để được quyền đa cảm. Cô ấy buồn đơn giản bởi cuộc đời đã quá đáng buồn.
Về phần khán giả, chúng ta cũng không thấy quyến rũ bởi Dong-Eun, mà thực chất là đồng cảm với cô ấy, muốn đứng về phía Dong-Eun, cổ vũ cho cô thành toàn, như lúc cô giáo của Dong-Eun nói “Cuộc chiến này sẽ dài và khó khăn, nhưng cô chỉ muốn nói một điều: Em hãy thắng nhé”.
Tương tự, lúc Do-Yong bắt đầu thích Dong-Eun, anh tò mò về cô rất nhiều như cách đàn ông bị cuốn về một cái hố đen không lời giải; nhưng khi có lẽ phần nào cảm nhận được tình cảnh của Dong-Eun, anh chỉ hỏi cô rằng “Mặc như thế có hơi lạnh không”, điều khiến Dong-Eun bối rối, trong khi lại ơ hờ với những câu gợi chuyện trước đây của anh. Tình nam nữ được thay bằng tình người -- điều mà thế giới chưa từng trao tặng cô bé Dong-Eun tội nghiệp.
Ở SHK vẫn có sự mềm mại, chậm rãi, ơ hờ, mênh mang, cùng vẻ lạnh lẽo không thể xuyên thủng, song trong đó có cả niềm cay đắng, cả mong muốn vươn lên trong tuyệt vọng. Nhân vật phải tự phản kháng là bởi vì ngoài họ ra, sẽ không còn ai khác. Nhân vật lạnh lẽo thay vì dửng dưng, là bởi không phải họ coi thường thế gian, mà chính thế gian này phản bội họ. Those who are heartless once cared too much. Nỗi buồn không đẹp hay thơ mộng. Chỉ có nỗi đau như một thanh kiếm bạc chậm rãi trồi lên từ giữa bể thuỷ ngân. Nhọn hoắt và chói sáng.
Tôi luôn thấy có một cái gì vừa xúc động vừa cao quý trong nỗ lực vươn lên của một con người, bất chấp mọi nghịch cảnh. Cao quý thì dễ hiểu. Còn xúc động thì bởi vì khi một người cần phải vươn lên, ta mới cảm nhận rõ cảnh huống trái ngang của họ. Ngược lại, khi một người cam chịu, ta có cảm giác rằng thực ra mọi thứ có lẽ cũng chưa hoàn toàn bĩ cực, hay rằng rồi vẫn sẽ có ai đứng ra giải quyết vấn đề. Cho nên dù không xem nhiều phim của Song, nhưng tôi đoán đây là phim mà SHK khóc ít nhất, nhưng lại gợi nhiều thương cảm nhất.
Thật ra nhiều khán giả đã bị chinh phục từ những cảnh đầu trong cái không khí màn đêm dần buông, Dong-Eun lái xe vào thành phố rồi đứng trên ban công, trong cái OST bài hát Until the end. Dạng âm nhạc này khá dễ để thành một kiểu hát phòng trà bàng bạc hay đãi giọng nhấn nhá kỹ thuật. Nhưng giọng hát ở đây đã tiết chế đi sự phù phiếm, ngay cả kỹ thuật hát cũng phù hợp cảm xúc, nó giúp người ta mường tượng ra hình ảnh của nhân vật vẫn đang cố vươn lên, với một khát khao mà gần với bản năng hơn là ý thức, gần như là bấu víu vào một ảo mộng ngây thơ, hướng tới một điều gì đó vui vẻ, lạc quan và có lẽ cả tốt đẹp, nhưng thực tại vẫn đang kéo tụt họ xuống. Đoạn kết bài hát có một chút gì đó tự ôm mình an ủi, nhưng thay vì khuây khoả thực ra lại càng làm nổi rõ đây chỉ là ảo mộng.
Bên cạnh diễn xuất của SHK, bộ phim còn đáng khen về kịch bản. Một lỗi sai mà nhiều bộ phim trả thù hay mắc là khiến việc trả thù trở nên dễ dãi, kiểu như hoặc kế hoạch tầm thường hay quá absurd, hoặc toàn gặp may mắn với quý nhân phù trợ, hoặc kẻ ác quá yếu quân ta quá mạnh, kẻ ác quá ngu quân ta quá ngầu. Khi đó bộ phim trở thành đơn giản một trò tự sướng, một cái wish fulfillment fantasy, và tự nhiên làm ngay cái premise về một mối thù sâu nặng cũng cảm giác như trẻ con và không trung thực. The Glory đã nhảy qua cái hố nguy hiểm ấy và xây dựng cái kế hoạch báo oán này một cách nghiêm túc như nó cần phải thế, mà thực chất là tỉ mẩn, lặng lẽ và mê hoặc như một ván cờ vây. Các bước đi cẩn trọng, tinh vi, bước này là tiền đề cho bước khác mà có khi đến tập sau ta mới hiểu lý do. Các hành động cũng hợp lý và khả thi, phù hợp với tính cách nhân vật lẫn cách phản ứng bình thường của con người. Và sau chót, ngay cả kế hoạch tinh vi nhất cũng có lúc tan vỡ khi chạm vào thực tế, cho nên vẫn có những bước ngoặt mà Dong-Eun băn khoăn hay thậm chí mắc sai lầm, điều quan trọng là nhân vật xoay sở ra sao để giải quyết điều đó. Khí chất của Dong-Eun, kế hoạch của cô, và nhịp điệu của phim có thể đúc kết bằng câu Do-Yong giải thích vì sao anh thích cờ vây “Vì nó trang nhã, về cả phương diện giải trí lẫn thẩm mỹ”
.
Đặt một bộ phim trả thù vào khung cảnh của xã hội công nghiệp thế kỷ 21, với những câu thoại như “điệu vũ của đao phủ” tưởng như sẽ quá sến. Nhưng bộ phim lại có thể làm khán giả tin được vào ngay cả những câu thoại ấy, trước tiên nhờ vào một cốt truyện có sức nặng. Với một cuộc đời như thế, nếu người ta không tự nghĩ ra một tự sự dramatic để vỗ về mình, thì người ta sẽ không thể sống nổi. Ngôn ngữ thông tục của thời hiện đại này với sự lý tính của nó sẽ chỉ càng thuyết phục Dong-Eun rằng cô không thể thành công hay ngay từ đầu cô vốn đã không có chỗ trong thế giới này. Khi tất cả logic đều gào lên là mày sẽ thua và mày thậm chí còn nên thua mới đúng đạo, ngta cần phải có một sự nâng đỡ nào đó phi logic, thứ mà trong phim Dong-Eun phải tự sáng tạo ra thay vì viện cầu đức tin, bởi dường như ngay cả các đại diện của đức tin trong phim cũng sẵn sàng làm tay chân cho thứ lực lượng tàn ác đã chà đạp cô bé.
Điều thứ hai giúp hợp lý hoá lời thoại kia là cinematography. Tất nhiên ta không kỳ vọng quá về cinematography ở một phim truyền hình, song ở đây, một số cảnh thực sự là chất nền cơ bản cho cảm xúc bùng nổ. Tôi sẽ lấy 1 cảnh mà tôi thích nhất, dù là cảnh 18+ có gây tranh cãi của bộ phim: Lúc Dong-Eun cởi áo.
Sắp xếp của cảnh này thông minh ở những chỗ sau: Một, căn hộ đó đó mới chuyển về, đồ đạc còn ít và đều đang phủ vải trắng. Hai, đó là một căn hộ có trần rất cao, với tường kính.
Buổi tối, ánh trăng trên cao vụt đổ xuống như thác và xuyên qua các tấm kính, tràn ngập và chiếm lĩnh nửa căn phòng. Trong không gian tĩnh lặng với các mảng sáng tối trắng đen xen kẽ, căn phòng đột nhiên giống như một giáo đường với một cảm giác vừa kỳ ảo vừa thiêng liêng. Chính nơi giáo đường đó, bao bọc trong ánh trăng huyền hoặc với những tấm vải trắng, người đứng thẳng song toàn thân đầy vết bỏng, Dong-Eun hiện lên có một vẻ gì đó vừa siêu nhiên và thánh thần, vừa đầy tổn thương và cô độc. Chỉ khi đêm xuống, dưới ánh trăng, con thiên nga mới trút bỏ được đôi cánh và hiện ra đúng như một nàng công chúa bị lời nguyền.
Chúng ta hoàn toàn hiểu được cảm giác của khi đó của Yeo-Jeong. Không chỉ là khó nói nên lời, bởi không thể tưởng tượng có những kẻ có thể gây ra được điều này cho một đồng loại khác, mà có lẽ trong anh còn một chút nào đó là xấu hổ. Xấu hổ vì mới đây thôi anh vẫn còn đem đạo đức ra để khuyên cô nên nghĩ lại. Và đây là lúc mà anh nói “Tôi sẽ cùng cô. Tôi sẽ là đao phủ, nhảy điệu vũ đao phủ cùng cô. Hãy nói đi, hãy nói cho tôi biết, tôi cần phải làm gì đầu tiên. Ai là kẻ đầu tiên mà cô muốn tôi giết?”.
Sau chót thì, với những ai thích Kdrama vì yếu tố lãng mạn thông thường, thú vị là một bộ phim không hề có trọng tâm là tình yêu, các diễn viên trong phim cũng chẳng mấy khi nói những lời ngọt ngào, nhưng lại là một bộ phim với chemistry đầy rung động. Tôi đoán có lẽ vì tình yêu thực ra xoay quanh sự riêng tư, và ngôn ngữ tình yêu là ngôn ngữ của những gì không nói ra và chưa thấy, nên chính cái không khí âm thầm sâu lắng của cả bộ phim, nhân vật, mới làm nên cái tension của sự hấp dẫn giới tính, lại cũng hệt như một ván cờ vây tại đó cả hai bên đều đang “bị quyến rũ” trong im lặng.
Nhân đây nói luôn, tôi vốn cũng hay nghe nhiều người kêu ca là sao SHK toàn đóng cặp với giai trẻ. Trước không để ý vì tôi cũng không quan tâm cô ấy lẫn phim truyền hình, nhưng từ phim này, tôi nghĩ là tôi hiểu vì sao. Thực ra mà nói, SHK mà có đóng với 1 anh bằng tuổi, thì trông anh kia vẫn như trẻ con với cô này thôi. Cái hấp dẫn của SHK như phân tích ở đoạn trước, là cảm giác buồn đau do bầm dập nào đó từ cuộc đời, và một tính nữ yếu đuối đến không thể đành lòng. Cái kiểu người phụ nữ này có 1 bi kịch khiến trái tim cô ấy đóng kín, nó kích thích một khát khao giải thoát. Mà thực ra cái khao khát này có nhiều nhất ở thanh niên trẻ, vẫn còn cái nhiệt huyết muốn làm anh hùng, nên chọn thanh niên trẻ chỉ là như chọn một đối ngẫu làm nổi bật nhất cái tự sự đó lên. Phim này còn có thêm một nhân vật trung niên, dù vậy vẫn còn trẻ, và tôi đoán phần 2 phim sẽ tiến theo hướng mô tả làm sao tâm hồn chai sạn của anh ta một lúc nào đó tìm lại được cái khao khát giang tay bảo bọc cho một phụ nữ yếu.
Sau cùng, như mọi bài review phim khác, đây là lúc tôi sẽ nói về agenda của phim:
Nếu nói cho ngắn gọn thì như mọi phim cánh tả, đều sẽ kích động chống lại trật tự đang có, bất kể cái gì là trật tự đang có, và do đó, là cổ suý cho sự vô trật tự.
Đầu tiên, bạo lực học đường trong phim được đồng nhất với sự chà đạp giai cấp. Mặc dù không chắc điều này ở Hàn đúng với tỷ lệ bao nhiêu % , bởi vì theo kinh nghiệm học đường của cá nhân tôi hồi xưa thì, đám đầu gấu trường học lại lại đa phần là thành phần lêu lổng với gia cảnh không khá giả.
Thứ hai, rõ ràng là phim lên án trật tự tư bản, chủ nghĩa thực dụng, với các giá trị kim tiền vật chất hình thức giả tạo người ăn thịt người. In short, thông điệp đại loại kiểu sau mỗi gia tài kếch xù đều là một tội ác.
Thứ ba, phim đá xéo đủ các authority figure của các establishment trong xã hội, vd tay thanh tra giáo dục giết cha, ông hiệu trưởng gian dâm, lão cảnh sát trưởng tham nhũng làm tay sai cho tài phiệt, và ngay cả các thế lực thần quyền (Chúa, pháp sư) chỉ là đạo đức giả, buôn bán tâm linh và các bổng lộc giải tội. Cái xã hội tưởng đầy quy củ trật tự thực ra lại giống như trong Parasite nhận xét “Tôi nhìn thấy một bác sĩ mà trông không giống một bác sĩ. Một nhân viên điều tra mà trông chẳng giống nhân viên điều tra.”, mọi thứ đều chỉ là giả danh, thực ra vốn chẳng tuân theo trật tự nào, tất cả đều im lặng đồng loã với nạn bạo lực học đường, cũng là ẩn dụ cho bất công xã hội.
Ngoài ra bên cạnh đặc sản giai cấp tất nhiên không thể thiếu 1 ít nữ quyền đá xéo ở chỗ này chỗ kia về sự gia trưởng bạo hành huyênh hoang của đàn ông Hàn, 1 ít phản Kito và trích dẫn Kinh Thánh.
Đố biết cảnh này tham chiếu gì (xem hint tại comment).
Nói chung thì agenda phim không có gì mới lạ, nhưng có một vài chi tiết cụ thể thì khá thú vị vì confirm cho những giả thuyết mà một vài bạn và tôi cũng từng nêu ra trong các thread trước đây.
1. Cái abstraction mà tôi từng ngờ là trung tâm của tư tưởng cánh tả, đó là: Tự nhiên vs. Văn minh; hay ngược lại, là Trật tự vs. Hỗn loạn. Bởi vì quan điểm hướng văn minh đặt cơ sở trên niềm tin là tồn tại một trật tự để xã hội cộng tác, còn quan điểm hướng tự nhiên thì cho rằng thế giới này đầy phi lý do đó việc tìm kiếm trật tự trên là vô nghĩa, xã hội là một zero sum game chỉ có luật sinh tồn của tự nhiên aka người ăn thịt người, cách mạng chỉ thành công qua bạo lực.
À, cơ mà những điều này thì liên quan gì The Glory? Trong bộ phim có 1 chi tiết như sau: Bà mẹ Yeo-Jeong phát hiện ra cậu hàng tháng đều nhận được thư gửi từ trong tù của chính kẻ tội phạm từng giết cha, cũng chính là bệnh nhân cha cậu đã cứu sống, trong các bức thư đó tay này thậm chí còn mô tả lại chi tiết đầy đủ án mạng cho Yeo-Jeong, chính các bức thư này như tra tấn tinh thần và càng nhấn vào nỗi đau của cậu. Bà mẹ tức tốc tới nhà tù đó và chất vấn, ngờ rằng tay psycho kia viết thư bệnh hoạn như vậy nhưng kết thư luôn thấy hối hận và xin tha thứ, là vì hắn đang muốn diễn bài để được giảm tội. Nhưng hoá ra không phải, tay này thản nhiên đáp “tôi thực ra thích ở đây, nơi đây sống tốt, được tập thể dục, người ta cho tôi ăn hàng ngày, còn có cả chăm sóc y tế” như mỉa mai về cái nhân đạo tréo nghoe luật pháp. Và hắn viết thư lại hoá ra chỉ “vì tôi chán” trong một niềm phấn khích “con trai cô đang sống trong địa ngục à” trước sự sững sờ gào thét vì phẫn nộ của người mẹ.
Thông điệp ở đây rất đơn giản: Cái ác là phi lý. Người ta có thể ác chỉ vì có khoái cảm khi ác. Thật ngây thơ khi cố dùng logic và trật tự để hiểu được cái ác, càng ngây thơ khi hy vọng trật tự có thể contain được cái ác. Trong khi chính trật tự sẽ chỉ ngăn cấm người tốt “Cả gia đình cô đều là bác sĩ. Cô không thể giết người. Chồng cô đã đi bán muối chính vì một lời thề như thế đấy”. Như vậy là, phân cảnh này thực chất đã nhạo báng lỗ hổng của trật tự và gián tiếp muốn khẳng định cách tiếp cận phi luật pháp của Dong-Eun: Để trừng trị cái cái ác, chỉ có thể dùng cái ác.
2. Chi tiết đáng nói thứ 2 là chi tiết về cinematography mà tôi ptich khi nãy. Trong các cmt dưới bài viết về MV Feel my rhythm của Red Velvet, có bạn và tôi từng trao đổi với nhau là bóng tối và ánh sáng, mặt trăng và mặt trời có thể là ẩn dụ cho thế lực đang cầm quyền và một thế lực khác đang tạm thời phải đóng vai ở dưới, phải ẩn nấp chui lủi trong bóng đêm, hay như trong The Glory ẩn ý thì “đang sống trong đêm vùng cực, hoàn toàn là đêm, ngược lại với đêm trắng”, gắn với “hoa loa kèn của quỷ, thay vì loa kèn của Chúa”.
Từ vụ ngày đêm và mặt trăng mặt trời, chúng tôi bàn tiếp là có thể câu truyện bầy chim thiên nga cũng là ẩn dụ cho cái gì cũng kiểu như thế. Một trật tự đáng lẽ là đúng đắn thì bị một trật tự khác tiếm quyền, hoàng hậu mất đi, vua cha lấy vợ mới, hoá ra lại là một mụ phù thuỷ, mụ phù phép biến tất cả con trai của nhà vua thành bầy thiên nga, ban ngày mang lốt chim, ban đêm mới được về thân xác con người. Chính cô con gái út đã vượt qua bao thử thách dệt tầm ma để giải phép thuật phù thuỷ. Đồng thời, nàng cũng được cưu mang bởi nhà vua xứ nọ, nghĩa là một nhân vật cũng thuộc về thế lực cầm quyền nhất định, sau khi nàng giải phép ma cho các anh, đức vua cũng giúp nàng khôi phục lại trật tự cũ để đàng hoàng trở thành hoàng hậu, hoàng tử ngay dưới ánh mặt trời.
Tương tự ở đây, Dong-eun, một con người lương thiện, chăm chỉ, thông minh, có lẽ được cho là nàng công chúa của một trật tự khác công bằng hơn, nhưng trong cái trật tự phi lý của hiện tại thì cô lại phải trở thành kẻ ở dưới. Đêm trăng kia, khi nàng thiên nga trút xiêm áo trong một vẻ cả mê hồn cả bi thương, cũng chính là thời khắc mà Yeo-Jeong, chàng hoàng tử của cái trật tự ban ngày, nhận ra từ nay sẽ nguyện một lòng vì nàng mà đừng nói xuống địa ngục, còn “xông lên tận trời” để giết phù thuỷ giải thoát nàng công chúa.
Mặt trăng thì lại sáng, còn chính mặt trời mới ở nơi bóng tối.
3. Phát hiện trên lại tiếp tục confirm cái điều tôi đã nói ở mấy post trước đây, về sự trở lại của mặt trăng trong rất nhiều sản phẩm văn hoá Hàn thời gian gần đây. Thời đại của mặt trăng đang tới, thời đại mặt trời sắp tắt, như cách nhân vật trong phim cảm thán “cảnh hoàng hôn này thật mê hồn”, một trật tự cũ đang dần bị lung lay và sắp chuyển giao cho một trật tự mới. Bỏ nhỏ, dù trong ánh trăng bàng bạc đó, liệu Dong-Eun có thực trở thành nàng công chúa, như cách giai cấp nông dân công nhân sau cuộc cách cái mệnh sẽ trở thành giai cấp lãnh đạo XH không, thì chúng ta sẽ cùng xem.
Verdict
Tôi sẽ nhìn SHK với con mắt khác từ sau phim này. Bất kể đời tư thế nào, ở phim này cô ấy đã thể hiện một diễn xuất và thần thái xuất sắc.
Tôi từng không thích Chương Tử Di và nghĩ cô này chỉ diễn đúng vai “phụ nữ lấc cấc” là ổn, mà rồi chỉ với một bộ phim thấy khâm phục cô ấy và cách cô ấy biến hoá qua từng vai diễn. Cũng từng không hề để ý gì nhiều Song Hye Kyo và cho rằng cô ấy chỉ đóng phim truyền hình phù hợp, điều này còn thấy rõ nhất là trong chính bộ phim Chương Tử Di xuất thần kia. Thì giờ lại thấy hoá ra cô ấy có thể có nhiều hơn những gì từng thể hiện.
Tôi nghĩ, đôi khi sự thú vị trong phim ảnh chỉ đến từ những bất ngờ như thế, là ở mọi con người đều có thể tồn tại khả năng thay đổi, lớn lên, và tiến bộ.